Tin vắn
Nhiệt liệt chào mừng 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2023)
GMT+7 20 - 10 - 2016
KHAI MẠC HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO NHÓM G20

​Chủ đề của hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 năm nay là “Định hình trật tự toàn cầu - chính sách đối ngoại vượt ra khỏi khuôn khổ quản lý khủng hoảng”. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 vấn đề: Thúc đẩy thực hiện Nghị sự 2030; Duy trì hoà bình trong bối cảnh mới; Hợp tác, hỗ trợ châu Phi. Đây đều là những vấn đề quan tâm của cộng đồng quốc tế, có tác động đến sự ổn định và phát triển bền vững ở nhiều quốc gia và khu vực.

Năm nay, Đức giữ vai trò là Chủ tịch của G20. Bên cạnh các thành viên chính thức, G20 còn mời nhiều đối tác là các tổ chức, thể chế quốc tế cùng tham gia chương trình nghị sự, trong đó có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao của nước chủ nhà APEC 2017. Đây cũng là lần đầu tiên nước chủ nhà "Năm APEC" không phải là thành viên G20 được mời dự hội nghị G20. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam, đồng thời cho thấy những đóng góp chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong các công việc của khu vực và thế giới.

Diễn ra trong hai ngày, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 được coi là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới tại Hamburg.

G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất (tính theo tổng sản phẩm quốc nội - GDP) và Liên minh châu Âu (EU). Thành lập từ năm 1999 và hiện chiếm 85% nền kinh tế thế giới, G20 bao gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy và Canada cùng một số thành viên khác trong EU và các nước Argentina, Australia, Brasil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, México, Nga, Arabia Saudia, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong điều kiện rất phức tạp và khó khăn của kinh tế thế giới những năm qua, cùng với các thể chế quốc tế khác, G20 đã đóng góp tích cực vào việc tái lập và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng thông qua phối hợp chính sách trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tài khóa, tiền tệ, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, thúc đẩy đầu tư và thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, G20 cũng triển khai nhiều sáng kiến, chương trình hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường nhằm hướng tới sự ổn định, bền vững của kinh tế toàn cầu như phát triển cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nước chậm phát triển, chống dịch bệnh, bình đẳng giới, chống tham nhũng...

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Sigmar Gabriel.

Về quan hệ song phương, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Hiện nay Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Sigmar Gabriel nhất trí sẽ chỉ đạo hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đức tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất hơn nữa, nhất là về thương mại, đầu tư, giáo dục, lao động, dạy nghề, du lịch, công nghệ…


2017-2-23.jpg 
 ​ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức Sigmar Gabriel. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị phía Đức thúc đẩy EU hoàn tất rà soát pháp lý để sớm ký kết Hiệp định EVFTA trong năm 2017, công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam cùng thời điểm ký EVFTA.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao việc Đức mời Việt Nam với tư cách nước chủ nhà APEC 2017 tham dự các hội nghị Nhóm G20 trong năm nay. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng mời Đức với tư cách là Chủ tịch G20 tham gia một số hoạt động trong khuôn khổ năm APEC 2017 tại Việt Nam.
Hai bên nhất trí cho rằng, nghị trình và các ưu tiên của G20 và APEC năm nay có nhiều điểm tương đồng, do đó việc tăng cường hợp tác và phối hợp chính sách giữa G20 và APEC là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển bền vững, liên kết và tự do hóa thương mại.
Hai bên cũng trao đổi ý kiến về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có việc tăng cường phối hợp tại các diễn đàn, tổ chức khu vực, quốc tế và Liên Hợp Quốc.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh việc Đức trở thành Đối tác phát triển của ASEAN từ năm 2016 và bày tỏ mong muốn Đức tăng cường hỗ trợ ASEAN trong một số lĩnh vực chủ chốt như công nghệ xanh, nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách phát triển, cơ sở hạ tầng, giáo dục, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai…
Phó Thủ tướng đề nghị Đức và EU tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), góp phần tích cực bảo đảm tự do và an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.
Trúc Lê tổng hợp
(Nguồn: baoquocte.vn và vietnamplus.vn)
 

 
 

Thông báo

Liên kết website

Lượt truy cập

SỞ NGOẠI VỤ TỈNH ĐỒNG NAI

Chịu trách nhiệm chính: Bà Đặng Thanh Thủy - Giám đốc Sở 
Địa chỉ: 07 Võ Thị Sáu, P. Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
ĐT: 0251 3 842 619 - Fax: 0251 3 842 935 - Email:   songoaivu@dongnai.gov.vn​​

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai


Chung nhan Tin Nhiem Mang