Tin vắn
Nhiệt liệt chào mừng 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2023)
GMT+7 20 - 10 - 2016
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO PHẠM BÌNH MINH THAM DỰ HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO HỢP TÁC MEKONG-LAN THƯƠNG (MLC) LẦN THỨ 2 TẠI SIEM REAP, VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 6 nước chung dòng sông Mekong-Lan Thương gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Các Bộ trưởng ghi nhận những kết quả tích cực mà Hợp tác Mekong-Lan Thương đã đạt được như: Định hình cơ cấu và nội dung hợp tác với ba trụ cột (an ninh-chính trị, kinh tế và phát triển bền vững, văn hóa xã hội và giao lưu nhân dân) và năm lĩnh vực ưu tiên (nguồn nước, hợp tác năng lực sản xuất, kết nối, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và giảm nghèo).

2016-12-55.jpg

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị

Về hợp tác thời gian tới, các Bộ trưởng nhất trí sớm xây dựng Kế hoạch Hành động 5 năm để duy trì đà phát triển và động lực của cơ chế hợp tác; khởi động Quỹ Hợp tác Mekong-Lan Thương để hỗ trợ các nước thực hiện các dự án, chương trình hợp tác; nâng cao hiệu quả công tác thông tin và phối hợp giữa các nước thành viên và giữa các bộ, ngành và địa phương thông qua thành lập bộ phận điều phối quốc gia tại mỗi nước; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án “thu hoạch sớm” đã được thông qua và khởi động xây dựng danh mục dự án “thu hoạch sớm” đợt hai.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Hợp tác Mekong-Lan Thương cần tập trung vào việc tăng cường hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, cân bằng và hài hòa lợi ích cũng như trách nhiệm giữa các nước ven sông để bảo đảm sự phát triển bền vững của khu vực.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ chế Mekong-Lan Thương cần chú trọng thúc đẩy kết nối khu vực, ưu tiên hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các dự án hạ tầng lớn, phát triển các hành lang kinh tế liên quốc gia và nâng cao năng lực thực thi các chính sách tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; tăng cường hợp tác phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và có khả năng cạnh tranh; hỗ trợ các nước áp dụng công nghệ tiên tiến và hình thành chuỗi giá trị về nông nghiệp tại khu vực; khẳng định các dự án Mekong-Lan Thương cần hài hòa lợi ích của tất cả các nước thành viên và có sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa các cơ quan liên quan. Đồng thời, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề xuất thiết lập đường dây nóng giữa 6 nước ven sông để kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý các tình huống khẩn cấp như xả lũ đột ngột, hạn hán, tai nạn gây ô nhiễm nguồn nước.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành lập nhóm công tác để nghiên cứu biện pháp thúc đẩy phối hợp giữa Hợp tác Mekong-Lan Thương và Ủy hội Mekong (MRC - tổ chức gồm 4 nước hạ nguồn sông Mekong là Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam), nghiên cứu các yêu cầu và triển vọng của việc Trung Quốc và Myanmar trở thành thành viên MRC.

Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Thông cáo báo chí chung của Hội nghị, các Bộ trưởng cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Lan Thương lần thứ 3 tại Trung Quốc trong năm 2017.

Nhân Hội nghị này, chiều 23/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.

2016-12-56.jpg

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá tích cực những tiến triển của quan hệ hai nước trong năm 2016 cũng như sự phối hợp chặt chẽ của hai Bộ Ngoại giao trong việc điều phối, thúc đẩy hợp tác, góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ hai nước; đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp để triển khai hiệu quả những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tích cực phối hợp thúc đẩy, chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao trong thời gian tới; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác; xem xét áp dụng thêm các biện pháp thúc đẩy thương mại hai nước phát triển cân bằng, ổn định; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam; tăng cường hợp tác nông nghiệp, khoa học công nghệ, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu các giống lúa mới có khả năng thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin về an toàn hạt nhân.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị khẳng định, Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị  hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam; tán thành đề xuất của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về các biện pháp tăng cường quan hệ hai nước; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị cho các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao trong năm 2017 đạt nhiều kết quả thiết thực, tích cực nghiên cứu, trao đổi về các quan tâm, đề xuất của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, tăng cường phối hợp trong việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng nhất trí triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa Bộ Ngoại giao, phát huy vai trò điều phối tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước.

 Cũng trong chiều 23/12/2016, , Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith. Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith một lần nữa bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ hiệu quả, chân  tình của Việt Nam để Lào hoàn thành xuất sắc vai trò nước chủ nhà ASEAN năm 2016.

2016-12-57.jpg

Bộ trưởng Ngoại giao 6 nước chung dòng sông Mekong-Lan Thương (Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam) chụp hình lưu niệm.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc, việc tổ chức cuộc tham vấn thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa hai nước sắp tới tại Lào có ý nghĩa quan trọng, giúp tăng cường sự tin cậy, phối hợp hiệu quả giữa hai Bộ Ngoại giao trong các vấn đề song phương cũng như tại các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế.

Hai bên nhất trí cần chuẩn bị tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào trong năm 2017, xem đây là sự kiện quan trọng góp phần tuyên truyền sâu rộng về tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, nhất là đối với các thế hệ trẻ.

Lê Lý​ (Tổng hợp)

Nguồn: vtv.vn; baochinhphu.vn

Thông báo

Liên kết website

Lượt truy cập

SỞ NGOẠI VỤ TỈNH ĐỒNG NAI

Chịu trách nhiệm chính: Bà Đặng Thanh Thủy - Giám đốc Sở 
Địa chỉ: 07 Võ Thị Sáu, P. Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
ĐT: 0251 3 842 619 - Fax: 0251 3 842 935 - Email:   songoaivu@dongnai.gov.vn​​

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai


Chung nhan Tin Nhiem Mang