Tin vắn
Nhiệt liệt chào mừng 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2023)
GMT+7 20 - 10 - 2016
Núi Chứa Chan - Điểm du ngoạn lý tưởng

Trên tuyến đường vào Nam hay ra Bắc, khi qua huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, bất kể ai cũng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, uy nghiêm của núi Chứa Chan, ngọn núi được ví là “nóc nhà” của miền Đông Nam Bộ Việt Nam.

Với độ cao 837m, diện tích trải dài 1.400 ha, hình dáng hùng vĩ, thế núi cao chót vót, vách đá cheo leo và rừng rậm, cùng hàng ngàn loại cây và muông thú, có suối chảy quanh năm, … Núi Chứa Chan (hay còn gọi là núi Gia Ray hoặc núi Gia Lào) là một thắng cảnh hữu tình của huyện Xuân Lộc.

Vẻ đẹp của núi được tạo nên bởi sự sáng tạo của thiên nhiên kết hợp với bàn tay tạo dựng khéo léo của con người. Đến đây du khách sẽ có dịp thử thách chặng đường lên trên núi gần 4km, với hàng trăm bậc thang uốn lượn men theo triền núi đá thiên nhiên. Du khách vừa leo núi, vừa ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên của núi rừng với muôn ngàn loài cây rừng nguyên sinh, hoa dại sống chen trên những triền đá kì vĩ và tậng hưởng khí trời se se lạnh như đưa du khách lạc bước vào chốn bồng lai.

Chùa Bửu Quang- Di tích thiên tạo

Một nét đặc trưng làm nên sự hài hoà của danh lam thắng cảnh núi Chứa Chan đó là  chùa Bửu Quang hay còn gọi là chùa Gia Lào. Tuy không có những nét điêu khắc độc đáo, những kiến trúc tinh xảo nhưng nhìn tổng thể ngôi chùa toát lên vẻ thâm nghiêm kỳ vĩ, một di tích thiên tạo hiếm có ở vùng Đông Nam Bộ.

Vượt lên độ cao khoảng 400m du khách được dịp chiêm ngưỡng dáng vẻ uy nghi của cây đa 3 gốc chụm lại thành 1 ngọn, quanh năm tỏa lá xum xuê giữa đất trời. Tự bao đời dân chúng cho rằng đó là cây thiêng, ba thân cây là hiện thân của thần núi bảo vệ núi rừng.

Để đến được chùa Bửu Quang, du khách sẽ thử sức thêm với 200 bậc thang thẳng đứng, đây là điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng ngàn du khách hành hương mỗi năm.

Chùa Bửu Quang được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, với chánh điện mái vòm, toạ lạc trên một hang đá có dáng Hàm Rồng. Chùa do Hòa thượng Ngộ Chân sơn và được nhắc đến trong một số sử sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn. Trong quần thể kiến trúc chùa Bửu Quang còn lưu lại vết tích chùa cổ được xây bằng đất sét, dựa theo những hang động thiên nhiên, tạo nên nét độc đáo giữa chốn thâm nghiêm kỳ vĩ của núi rừng.

4778_1212952726.jpg

 Cây đa ba gốc tại chùa Bửu Quang (Ảnh: Xóm Nhiếp ảnh) 

Trong kháng chiến, chùa Bửu Quang là trạm giao thông liên mật, nơi đây đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

 Hàng năm, tại Chùa Bửu Quang có các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa được tổ chức như Lễ Thượng ngươn (rằm tháng Giêng); Lễ Trung ngươn (rằm tháng Bảy); Lễ Hạ ngươn (rằm tháng Mười) …Vào những dịp lễ, nhân dân địa phương và du khách đến viếng chùa, lễ phật rất đông.

Mật khu Hầm Hinh- Vị Trí Lịch Sử

Nói đến núi Chứa Chan không ai không biết đến Mật khu Hầm Hinh -là địa điểm đóng quân của Ban chỉ huy quận quân sụ 10, sau đó là quận đội Xuân Lộc trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến cuối năm 1948.

Địa điểm Mật khu Hầm Hinh phân bố trên một khu đất ở triền chân núi Chứa Chan (khu vực phía Bắc) thuộc xã Xuân Trường, diện tích khoảng 500m2 có độ cao trung bình khoảng 40m so với chân núi, cách suối Gia Lào khoảng 10km về phía Đông, cách chùa Bửu Quang khoảng 800m (theo đường chim bay) về hướng Đông Bắc, cách tỉnh lộ 766 khoảng 1400m về phía Đông.

NuiChuaChan.jpg

 

Cửa hang Mật khu Hầm Hinh

Mật khu Hầm Hinh nguyên là một bãi đá tự nhiên gồm những tảng đá Granit xếp xen kẽ với nhau tạo thành một bức tường dày. Âm sâu bên trong là hang đá gồm những tảng đá lớn xếp chênh nhau tạo thành. Lòng hang sâu hun hút, khúc khuỷu với nhiều chỗ rộng hẹp cao thấp khác nhau tạo thuận lợi cho việc thoát hiểm khi cần.

Vị thế của Mật khu Hầm Hinh rất thuận lợi: rừng rậm có thể ém giấu quân; núi cao có thể quan sát địch ở phía dưới; hang sâu có thể ẩn nấp; bãi đá dày có thể tạo thành công sự chiến đấu khi chống càn… nên Ban chỉ huy quận quân sự 10 (Xuân Lộc) đã chọn đóng quân và cũng từ địa điểm này các đồng chí Đinh Quang Ân, Bùi Cát Vũ, Phạm Đình Công đã lập sở chỉ huy đánh giao thông đường sắt ở Trảng Táo, Gia Huynh, Bảo Chánh. Mật khu này cũng là nơi đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy đã lưu lại trên con đường từ Bắc vào Nam chỉ đạo kháng chiến. Hiện nay địa điểm này đã được các nhân chứng lịch sử định vị trên mặt bằng tổng thể.

Du lịch Núi Chứa Chan- Điểm đến hấp dẫn

Núi Chứa Chan đã, đang và luôn là điểm du lịch vô cùng lý tưởng, hấp dẫn đối với du khách gần xa, là nơi sinh hoạt truyền thống về nguồn rất có ý nghĩa. Du khách đến núi Chứa Chan sẽ được trở về với sự tĩnh lặng, hữu tình trong lành, mát mẻ của thiên nhiên, được viếng chùa cho lòng thanh thản, bình an, và quan trọng hơn là để hiểu, để tự hào và trân trọng thêm những giá trị truyền thống của nhân dân Miền Đông nói chung và huyện Xuân Lộc nói riêng.

Cùng với các di tích khác, di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan đã bổ sung vào danh mục những thắng cảnh ở Đồng Nai, những địa danh lịch sử quan trọng của chiến trường Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần làm nên “Hào khí Đồng Nai”.

Núi Chứa Chan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh quốc gia, hứa hẹn là bước ngoặt để núi Chứa Chan có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát triển mở rộng và ngày càng thu hút đông đảo khách tham quan du lịch xa gần tìm đến với nơi phong cảnh hữu tình này.

 NuiChuaChan2.jpg
Một góc cảnh quan núi Chứa Chan - Ảnh: Quốc Hương

Thông báo

Liên kết website

Lượt truy cập

SỞ NGOẠI VỤ TỈNH ĐỒNG NAI

Chịu trách nhiệm chính: Bà Đặng Thanh Thủy - Giám đốc Sở 
Địa chỉ: 07 Võ Thị Sáu, P. Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
ĐT: 0251 3 842 619 - Fax: 0251 3 842 935 - Email:   songoaivu@dongnai.gov.vn​​

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai


Chung nhan Tin Nhiem Mang